Tuyến tụy thuộc hệ tiêu hóa, cơ quan này vừa giúp kiểm soát đường máu vừa hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Một trong những bệnh lý nguy hiểm hay gặp ở tuyến tụy là ung thư tuyến tụy, bệnh có những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn sang bệnh lý khác. Do đó, việc nắm được kiến thức về bệnh này để nhận biết dấu hiệu nghi ngờ và đi thăm khám sớm là rất cần thiết.
1. Tổng quan về ung thư tuyến tụy
Tuyến tụy là một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa, nằm ở vị trí phía sau dạ dày, đầu tụy tiếp xúc với đoạn tá tràng, phần đuôi kéo dài để sát lá lách. Tụy có 3 phần, gồm đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Bộ phận này chịu trách nhiệm sản xuất hormone và enzyme giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa và chức năng nội tiết (như để điều chỉnh đường huyết).
Ung thư tuyến tụy có thể xuất hiện khi những tế bào mô tụy phát triển bất thường, hình thành lên các khối u ác tính ở cơ quan này. Một vài loại ung thư tuyến tuỵ khá phổ biến như:
- Ung thư biểu mô ở tuyến tụy.
- Ung thư nang ở tuyến tụy: Một bộ phận có chứa dịch. Đa số u nang đều là u lành tính nhưng vẫn có nguy cơ phát triển thành u ác tính.
- Ung thư tế bào Acinar: Các tế bào này yên vị ở hai đầu của ống dẫn nơi sản xuất các enzyme tiêu hóa.
Ung thư tụy nguy hiểm và khó để chữa khỏi hoàn toàn. Tỷ lệ tử vong của loại ung thư này cũng cao hơn vì tuyến tụy nằm ở sâu bên trong ổ bụng. Khi u ác tính hình thành ở cơ quan này, người bệnh thường có ít các biểu hiện đặc trưng, triệu chứng bệnh cũng không nhiều. Đó cũng là lý do vì sao bệnh nhân thường dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường khác. Nhiều trường hợp khi được phát hiện thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, việc điều trị rất phức tạp và tiên lượng không cao.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Thực tế, nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy cho đến nay vẫn chưa được tìm ra. Nhưng theo một số nghiên cứu, sự tăng sinh một cách bất thường của các tế bào ung thư ở tuyến tụy có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như:
Có nhiều yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư, trong đó bệnh tiểu đường
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư hoặc bản thân bệnh nhân gặp phải hội chứng Lynch II, bị ung thư buồng trứng, ung thư vú,… đều có khả năng cao bị ung thư.
- Người đã hoặc đang bị các bệnh lý mạn tính liên quan đến tuyến tụy. Trong số đó, tiểu đường vừa được xem là nguyên nhân đồng thời cũng là hệ quả của bệnh ung thư tuyến tụy.
- Những người bị thừa cân hoặc béo phì.
- Do tuổi tác: Những trường hợp từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ bị ung thư cao hơn.
- Người có lối sống thiếu khoa học, kém lành mạnh như: Thường xuyên hút thuốc lá, bị nghiện rượu, ít vận động, ăn uống không đảm bảo
- Nhóm máu: Viện Ung Thư Quốc Gia Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu và cho thấy, những người có nhóm máu A và B sẽ có tỷ lệ bị các khối u ác tính ở tuyến tụy cao hơn.
3. Những triệu chứng nhận biết bệnh lý
Hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện vì các biểu hiện không rõ ràng. Một thời gian sau đó, khi các tế bào ung thư lan rộng thì người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng hơn tùy thuộc vào vị trí của khối u ác tính và tình trạng nghiêm trọng của bệnh lý.
Biểu hiện dễ nhận biết của bệnh là những cơn đau bụng dữ dội
Một vài dấu hiệu đặc trưng và khá phổ biến của bệnh lý chính là đau bụng. Những cơn đau xuất hiện khá sớm. Lúc đầu, những cơn đau chỉ thoáng qua và âm ỉ ở thượng vị khiến nhiều người bị nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày.
Khi bệnh phát triển, cơn đau sẽ bắt đầu lan dần sang 2 bên và có thể ra đến sau lưng. Một vài trường hợp bị đau không liên tục. Tuy nhiên, sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa thì những cơn đau bụng diễn ra khá dữ dội hơn. Khi bạn bị đau nhiều ở vùng lưng thì có khả năng khối u đang nằm ở đuôi hoặc thân của tuyến tụy.
Những cơn đau bụng do khối u ác tính ở tuyến tụy diễn ra một cách từ từ và nặng dần theo thời gian nhưng có một số người bị đột ngột và dữ dội. Nguyên nhân của cơn đau này là do kích thước khối u lớn hơn khiến ống tụy bị tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.
Bên cạnh triệu chứng đau bụng thì bạn cũng cần lưu ý thêm một vài triệu chứng khác như:
- Sụt cân nhanh chóng mà không tìm ra nguyên nhân.
- Có biểu hiện chán ăn, suy nhược cơ thể.
- Đầy hơi hoặc chướng bụng.
- Có cảm giác ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Bị tiêu chảy hoặc đi phân sống khi đại tiểu.
- Nước tiểu có màu sẫm hơn hoặc bị vàng da nguyên nhân là do khối u quá lớn làm tắc ống mật, khiến cho dịch mật không thể đi từ gan xuống đến tá tràng. Từ đó, dịch mật sẽ đi vào trong máu khiến bệnh nhân bị vàng da và nước tiểu có màu sẫm hơn.
4. Điều trị và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người bị ung thư tuyến tụy
Việc điều trị ung thư tương tự như các loại bệnh lý ung thư khác là bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị,… để tăng hiệu quả. Đây là phương pháp điều trị đa mô thức.
Bên cạnh đó, người bệnh ung thư cũng sẽ được chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát các biến chứng kết hợp chế độ ăn uống khoa học để cải thiện sức khỏe.
Những bệnh nhân mắc ung thư cần có một chế độ dinh dưỡng riêng để giúp cải thiện tình trạng và phù hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ. Một vài lưu ý quan trọng về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhân gồm:
Chế độ ăn lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học cho người bệnh
- Giảm cân (đối với người thừa cân, béo phì) và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Uống đủ nước.
- Chia nhỏ các bữa ăn (khoảng 5 – 6 bữa/ngày) để giúp người bệnh giảm .
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên trái cây, rau củ, ngũ cốc dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm khó tiêu, chất béo, đồ ngọt, các chất có hại cho sức khỏe,…
- Theo dõi những biến đổi khác thường khi đại tiện.
- Tăng cường tập luyện thể thao.
5. Phòng ngừa ung thư như thế nào?
Nhìn chung, việc ngăn ngừa hoàn toàn sự xuất hiện của các tế bào ung thư là gần như không thể. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta vẫn có thể chủ động trong sinh hoạt hơn để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Một vài biện pháp phòng ngừa bệnh lý khá đơn giản mà bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày như:
Một thói quen sống lành mạnh giúp bạn phòng ngừa ung thư tuyến tuỵ.
- Bỏ thuốc lá, chất kích thích, đồ uống có cồn, đồ uống có gas,…
- Bổ sung thêm nhiều loại trái cây, rau củ quả tươi,…
- Hạn chế ăn thịt đỏ, đường, thực phẩm được chế biến sẵn,…
- Tập thể dục đều, giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Nếu làm việc trong môi trường độc hại thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định trang bị các đồ bảo hộ cần thiết.
Như vậy, tuyến tụy là một phần không thể thiếu của hệ tiêu hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, ung thư tuyến tụy là một bệnh lý nguy hiểm và thường có các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì thế, hiểu biết về các dấu hiệu của bệnh và thực hiện thăm khám y tế định kỳ là hết sức cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời.